"Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững"
Sáng nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã đồng chủ trì Hội thảo "Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững".
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, trao đổi của rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước; đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí... và đại diện các Sở Công Thương.
Tiềm năng về cơ bản đã được quy hoạch
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa khá cao, số giờ nắng trong năm từ 1.400 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21oC và 3/4 lãnh thổ là địa hình đồi núi, phân cắt mạnh đã hình thành hơn 3.450 sông, suối. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý. Vì vậy, Bộ Công Thương đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.
Việc sử dụng NLTT cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Theo đó, đã khẳng định ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mục tiêu là đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng các cơ chế khuyến khích phù hợp, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển NLTT; tăng cường hợp tác với các nước thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) dưới hình thức phát triển NLTT.
Đối với thủy điện, mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW. Hiện nay, hầu hết các dòng sông, suối đã được nghiên cứu quy hoạch với 824 dự án thủy điện có tổng công suất 24.778 MW, bằng 95,3% tiềm năng khả thi nêu trên. Trong số đó, đã vận hành khai thác 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án có tổng công suất 3.348 MW, bằng 13,51% tổng công suất quy hoạch; đã cho phép nghiên cứu đầu tư 260 dự án có tổng công suất 3.050 MW, bằng 12,31% tổng công suất quy hoạch; còn lại 56 dự án (chủ yếu quy mô nhỏ) chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng công suất 393,5 MW, bằng 1,59% tổng công suất quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế; hầu hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ do doanh nghiệp ngoài nhà nước làm Chủ đầu tư.
Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), điều tiết hợp lý giá điện ở nước ta; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước,... Tại một số tỉnh (như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng...), các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh. Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập (theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2016 bình quân đạt 14 triệu đồng/hộ/năm). Tuy nhiên, để xây dựng các công trình thủy điện, cũng đã phải thu hồi khá nhiều đất đai các loại. Bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41 ha (trong đó có 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất sông suối) và tái định cư 0,16 hộ dân. Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có. Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình cũng bị “lâm tặc” lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép.
Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số Chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết những tồn tại này, Bộ Công Thương đã ban hành quy định liên quan tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012. Hiện nay đang triển khai nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng, đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW. Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011. Theo đó, giá bán điện của các dự án này tương đương 7,8 UScents/kWh (trong đó nhà nước hỗ trợ 1 cent thông qua Quỹ bảo vệ môi trường) cùng những cơ chế khác như trách nhiệm mua điện, ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, về hạ tầng đất đai,...
Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Theo đó, cơ chế hỗ trợ về giá bán điện là 9,35 UScents/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác như việc mua điện, thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cơ chế này có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 đến ngày 30/6/2019, trên cơ sở tình hình phát triển thực tế, Bộ Công Thương sẽ đề xuất cơ chế thực hiện sau ngày 30/6/2019.
Nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch
Trình bày tham luận tại Hội thảo, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, nhìn chung trong lĩnh vực điện gió tại Bình Thuận đến nay, mặc dù đã tổ chức triển khai một số dự án và có 03 nhà máy điện gió đã hoạt động sản xuất điện hòa lưới điện quốc gia, song đối với cả nước đây là lĩnh vực mới nên còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Theo đại diện Sở Công Thương, quan điểm phát triển điện gió và điện mặt trời của tỉnh phải gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa với sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh, phải gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội, đối với điện mặt trời chỉ xem xét phát triển tại các khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc phát triển các ngành nghề khác không thuận lợi, hiệu quả kinh tế thấp; đồng thời phải đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là việc đấu nối lưới điện, truyền tải công suất điện đến các vùng phụ tải trong cả nước, bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), có 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam: Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác; Hai là, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan QLNN từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật; Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành; Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác; Năm là, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phát triển NLTT, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất một số ý kiến như: Tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện; Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch; Quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện NLTT; Tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT; Các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn NLTT... ;Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT; Các chính sách ưu đãi về đầu tư (Vốn, thuế, đất đai…); Các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện; Nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng, song song, đồng bộ với phát triển NLTT; Các cơ chế, chính sách đảm bảo sự phát triển NLTT gắn liền vớicác yếu tố đảm bảo hiệu quả chung của Hệ thống điện và chi phí hệ thống; Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về cơ chế đấu giá dự án NLTT.