Tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh tháng 02⁄2016 của EVN
I. Tình hình hoạt động ĐTXD và SXKD tháng 02 năm 2016:
1. Về sản xuất - kinh doanh và cung ứng điện:
Trong tháng 02/2016 Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và tin cậy cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân cũng như các hoạt động chính trị - xã hội khác. Tập đoàn đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi thực hiện xả nước thông qua phát điện từ các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015-2016 ở các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Sản lượng toàn hệ thống tháng 02 đạt 11,63 tỷ kWh. Sản lượng huy động ngày cao nhất đạt 472,3 triệu kWh (ngày 23/2). Luỹ kế 02 tháng, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 25,95 tỷ kWh, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 24,86 tỷ kWh, tăng 14,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy điện chiếm 24,62%, nhiệt điện than chiếm 42,04%, tua-bin khí chiếm 31,77%, nhiệt điện dầu chiếm 0,5% và nhập khẩu chiếm 1,07%. Riêng điện sản xuất trong 2 tháng đạt 10,878 tỷ kWh, tăng 24,66% so với cùng kỳ.
Tháng 02/2016, sản lượng điện thương phẩm đạt 11,05 tỷ kWh. Lũy kế 2 tháng năm 2016, sản lượng điện thương phẩm đạt 23,22 tỷ kWh, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện thương phẩm nội địa đạt 23,05 tỷ kWh, tăng 12,33%, điện cấp cho công nghiệp - xây dựng tăng 9,09%, điện cấp cho thương mại tăng 24,03%, điện cấp cho nông nghiệp tăng 50,58%, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng tăng 13,55%.
2. Tình hình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 01 và 02 năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) điều hành tăng khai thác các hồ thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang để xả nước từ các hồ này phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016 ở các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Theo kế hoạch, lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016 được thực hiện theo 3 đợt. Tuy nhiên, tiến độ lấy nước thực tế được thực hiện nhanh hơn so với dự kiến do thời tiết phía Bắc thuận lợi, công tác chuẩn bị cho việc lấy nước triển khai tốt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành 2 đợt xả nước phục vụ gieo cấy (đợt 1 và đợt 3), đợt 2 không thực hiện theo Công điện số 146/BNN-TCTL ngày 01/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tiết kiệm nguồn nước từ các hồ thủy điện. Tổng thời gian lấy nước là 8,5 ngày, thời gian xả nước là 11,25 ngày. Tổng lượng nước xả trong cả 2 đợt là 3,03 tỷ m3 (từ hồ Hoà Bình: 2,06 tỷ m3, Thác Bà: 0,40 tỷ m3, Tuyên Quang: 0,57 tỷ m3), lưu lượng xả nước trung bình khoảng 2.950 m3/s. Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì đúng yêu cầu.
Sau 2 đợt xả, về cơ bản các địa phương đã lấy đủ nước. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuỷ lợi, tính đến ngày 19/02/2016, diện tích có nước toàn khu vực là 595.291/627.649 ha, chiếm 94,81% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Trong thời gian lấy nước của các đợt xả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc cung cấp thông tin điều hành xả nước, tập trung lấy nước, tuyên truyền thúc đẩy nhanh tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác lấy nước tại một số địa phương. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm điều độ HTĐ Quốc gia thay đổi chế độ xả nước từ các nhà máy thuỷ điện phù hợp với mực nước hạ lưu. Các đơn vị Điện lực địa phương đã đảm bảo cung ứng điện liên tục, ổn định cho các trạm bơm, kể cả các trạm bơm dã chiến. Đặc biệt với sự phối hợp hiệu quả của UBND các tỉnh hạ du, các Công ty Khai thác các công trình thủy lợi và bà con nông dân các địa phương trong việc tích cực nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, duy tu bảo dưỡng các hệ thống máy bơm, nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện đã được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
3. Công tác cấp nước chống hạn của các hồ thủy điện:
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống điện quốc gia có 81 nhà máy thủy điện đang vận hành (chỉ tính các nhà máy có công suất đặt trên 30 MW) với tổng công suất khoảng 15.570 MW, chiếm 40,4 % công suất đặt toàn hệ thống (38.500 MW). Trong đó chỉ có 38 hồ có khả năng điều tiết nước phục vụ phát điện, tưới tiêu và cấp nước hạ du trong cả mùa khô với tổng dung tích hữu ích là 33,01 tỷ m3.
Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ thủy điện trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào (hầu hết các hồ khu vực này không xuất hiện lũ và tổng lượng nước về thiếu hụt khoảng 40 - 60 % so với trung bình nhiều năm). Nhận biết được tình hình khó khăn về nguồn nước, EVN đã huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tua-bin khí, kể cả nguồn chạy dầu, hạn chế huy động các nhà máy thủy điện để tích nước sớm. Tuy nhiên đến ngày 31/12/2015 nhiều hồ vẫn không thể tích lên mực nước dâng bình thường, tổng lượng nước tích được trong các hồ chứa trên toàn hệ thống chỉ đạt 27.37 tỷ m3, tương đương 83% dung tích hữu ích các hồ.
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn có nhiều bất lợi, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn chỉ đạo các công ty thủy điện đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu cấp nước của các địa phương kể cả trong những thời kỳ phụ tải thấp như thời kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Trong điều kiện khô hạn nghiêm trọng, hiện nay các NMTĐ trên các khu vực miền Trung và miền Nam đang được vận hành chủ yếu theo yêu cầu cấp nước cho hạ du.
Tính đến ngày 11/03/2016, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỷ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Trong đó lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hồ có mức nước thấp hơn: Hủa Na thấp hơn 3,29m; Bình Điền: 3,75m; A Vương: 3,43m; Vĩnh Sơn: 3,31m, Pleikrong: 4,65m; Kanak: 2,92m; Buôn Tua Srah: 1,3m; Đồng Nai 3: 6,15m; Đăk Rinh: 1,92m; Thác Mơ: 2,37m; Hàm Thuận: 3,11m; Đại Ninh: 4,24m, Trị An 4,22… Đặc biệt là hồ Ialy thấp hơn tới 12,60m, hồ Cửa Đạt là 14,6m.
4. Tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng:
Về nguồn điện: Tập đoàn và các GENCO đã phê duyệt tiến độ năm 2016 cho toàn bộ các dự án nguồn điện.
Đối với các dự án dự kiến phát điện năm 2016 như: Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Sông Bung 2 và Nhiệt điện Duyên Hải 3, công trường đang thi công bám sát tiến độ đề ra. Công tác vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng đến công trường Thủy điện Lai Châu và Huội Quảng cũng đã đạt kế hoạch, trong đó công tác vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng đến công trường Huội Quảng đã vận chuyển xong toàn bộ thiết bị nặng của TM2 do nhà thầu huy động vận chuyển thiết bị trong cả thời gian nghỉ Tết Bính Thân.
Các dự án trọng điểm khác như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình và Thủy điện Thác Mơ mở rộng cũng đang thi công đúng tiến độ.
Về lưới điện: Trong tháng 2/2016 đã hoàn thành đóng điện 2 công trình 220kV (nâng công suất các trạm biến áp 220kV Tuy Hòa và Krongbuk). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016 đã hoàn thành đóng điện 7 công trình 220kV.
Thực hiện giá trị ĐTXD và tình hình giải ngân: Trong tháng 02/2016, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 8.000 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng năm 2016, ước giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư đạt 16.198 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt 12.978 tỷ đồng.
II. Một số nhiệm vụ công tác tháng 3/2016:
Do ảnh hưởng của Elnino kéo dài, dự báo lưu lượng nước về các hồ miền Trung và Nam tiếp tục kém. Đặc biệt trong tháng 3/2016, tất cả các lưu vực sông khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô.
Dự kiến tháng 3/2016, sản lượng bình quân toàn hệ thống sẽ tăng cao, ở mức 495 triệu kWh/ngày (tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2015), công suất phụ tải lớn nhất khoảng 25.640 MW. Công suất khả dụng của hệ thống điện trong giai đoạn này khoảng 31.100 MW - 33.600 MW (chưa tính điện nhập khẩu, nhiệt điện than thí nghiệm và nhiệt điện chạy dầu). Như vậy, trong tháng 3/2016, hệ thống điện đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.
Để tiếp tục đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tháng cũng như đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2016, EVN sẽ khai thác tối đa các nhà máy nhiệt điện than, khí, dầu; khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện để tiếp tục cố gắng đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương.
Trong công tác đầu tư xây dựng: Đảm bảo vận hành ổn định 4 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1. Tiếp tục đảm bảo tiến độ thi công các dự án Thủy điện Sông Bung 2, Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình, Duyên Hải 3 mở rộng. Riêng Thủy điện Thác Mơ mở rộng đảm bảo mục tiêu thông hầm dẫn nước trước ngày 31/3/2016 theo tiến độ được duyệt...
Về lưới điện: Trong tháng 3/2016, EVN và các đơn vị sẽ tập trung thi công đảm bảo hoàn thành đóng điện các công trình đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho, đường dây 220kV Huế - Hoà Khánh mạch 2, đường dây 220kV Bảo Thắng - Yên Bái và các công trình có kế hoạch đóng điện trong Quý I/2016: Đường dây 220kV đấu nối Thủy điện Trung Sơn, Thái Bình - Kim Động, trạm biến áp 220kV Mỹ Xuân, nâng công suất các trạm biến áp 220kV Lào Cai, Hoà Khánh, Đà Nẵng, Dốc Sỏi...
Tập đoàn đang chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư thiết bị để triển khai thi công lắp đặt cáp ngầm xuyên biển cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm, đáp ứng mục tiêu hoàn thành đóng điện trong tháng 3/2016.
Dự kiến trong tháng 3/2016, Tập đoàn sẽ tổ chức kiểm tra công tác thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng và phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sự kiện hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2016.