Thị trường điện Việt Nam: Con đường tất yếu
Thị trường điện Việt Nam được ra đời với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định, thu hút đầu tư của các thành phần xã hội và tăng dần tính cạnh tranh để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh điện lực. Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) vận hành theo mô hình thị trường điện tập trung, chào giá theo chi phí để tăng tính công khai minh bạch trong lĩnh vực phát điện, tạo cơ chế thu hút đầu tư vào nguồn điện.
Trong VCGM, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường, việc điều độ các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động các mức công suất của các nhà máy có giá chào từ thấp nhất đến cao đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống đồng thời thỏa mãn các ràng buộc của hệ thống. Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ được thực hiện theo hai cơ chế: Phần lớn sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với Đơn vị mua buôn điện duy nhất, phần sản lượng còn lại sẽ thanh toán theo giá thị trường từng giờ.
Cũng trong VCGM, giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, phản ánh đúng cân bằng “cung - cầu” của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa. Mức giá thị trường được áp dụng trong thị trường giao ngay của khâu phát điện, còn biểu giá bán lẻ điện cho các khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Thị trường điện Việt Nam được hình thành với xuất phát điểm khác rất nhiều so với các nước trên thế giới. Phần lớn thị trường điện các nước đều xuất phát từ tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến đòi hỏi một môi trường cạnh tranh rõ ràng hơn trong lĩnh vực phát điện, qua đó làm giảm chi phí mua điện và để giảm giá bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, VCGM ở Việt Nam được vận hành trong bối cảnh dự phòng về nguồn điện không cao mà quan trọng hơn là tạo một sân chơi minh bạch nhằm thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện. Cơ sở hạ tầng hệ thống điện Việt Nam trong đó hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện còn nhiều hạn chế. Do vậy, công tác điều hành thị trường điện gặp không ít khó khăn.
Thay đổi những hoài nghi ban đầu về hiệu quả, khả năng thành công của việc triển khai thị trường điện tại Việt Nam, công tác vận hành thị trường điện đã đạt được những kết quả ban đầu như là nâng cao tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện, mang lại hiệu quả rõ rệt cho các đơn vị tham gia, khuyến khích giảm chi phí phát điện của các nhà máy, tạo động lực cho các nhà máy điện vận hành hiệu quả hơn trong mọi thời điểm. Thị trường được vận hành liên tục, không bị gián đoạn một giờ nào, kể cả vào những thời điểm vận hành hệ thống điện khó khăn như sự cố rã lưới hệ thống điện miền Nam tháng 5 năm 2013, hay ngừng sửa chữa nguồn khí Nam Côn Sơn (nguồn nhiên liệu chính của gần 5000 MW các nhà máy tua bin khí trong miền Nam). VCGM đạt được thành tựu như vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao, xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ và các đơn vị liên quan và nỗ lực không ngừng của đội ngũ kỹ sư và chuyên viên của EVNNLDC.
Việc đưa VCGM chính thức vào vận hành là bước phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam. Thành công của VCGM sẽ là điều kiện cần thiết để chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh và tạo tiền đề cho việc phát triển lên thị trường bán lẻ cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh.
Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành Điện nước nhà. VCGM bước đầu thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc tạo một sân chơi bình đẳng giữa các đơn vị phát điện. Thị trường điện Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình tái cơ cấu hướng đến phát triển bền vững, là “con đường” tất yếu của ngành Điện Việt Nam.